CÔNG TY DU HỌC Á ÂU

Công ty du học uy tín hàng đầu Việt Nam

Thay đổi cách giáo dục để đáp ứng nhu cầu việc làm trong tương lai

Nền giáo dục cần ứng dụng công nghệ mới với chương trình đào tạo, tập trung vào kỹ năng thực tiễn, tăng tương tác giữa người với người.

f:id:congtyduhocuytin:20190425181445p:plain

Tiến sĩ Cowan, chuyên gia về các vấn đề pháp lý và kinh tế đưa ra những chia sẻ về nhu cầu thay đổi của giáo dục trước thời đại công nghệ 4.0.

Ở tuổi 87, Michelangelo - điêu khắc gia nổi tiếng của thời đại Phục Hưng tuyên bố "Tôi vẫn đang học". Câu nói khiến ông trở thành một biểu tượng cho việc học tập suốt đời.

Việc dạy và học đã trải qua một chặng đường phát triển dài, nhưng mối quan tâm chung của những nhà giáo dục và quản lý vẫn là chuẩn bị cho học sinh từ trường phổ thông đến đại học những hành trang cần thiết để bước ra cuộc sống. Khác biệt là thế giới ngày nay đã nhanh hơn và tự động hơn với các mô hình làm việc linh hoạt.

Joe Fuller, giáo sư trường Harvard, đồng lãnh đạo dự án Quản lý Tương lai Công việc cho rằng, việc làm trong tương lai sẽ trở nên đa dạng hơn. "Mọi người sẽ có nhiều loại mối quan hệ công việc khác nhau... Hầu hết các công ty hiện nay đều được cấu thành bởi những nhân viên toàn thời gian và bán thời gian. Hy vọng sẽ có sự gia tăng đáng kể về nhân công tự do", ông nói.

Nhu cầu thay đổi chương trình đào tạo

Trong bối cảnh đó, yêu cầu chỉnh lý về cách tổ chức và chương trình giảng dạy để đáp ứng nhu cầu của thế kỷ 21 đang nổi lên. Khảo sát tại Australia, thực hiện bởi Real Insurance hồi tháng 6 cho thấy, 42% người được hỏi cho biết chương trình học hiện tại là không đầy đủ, 23,2% nói rằng những hiểu biết cơ bản bị thiếu hụt và 30% không tự tin rằng trẻ em đang được chuẩn bị cho công việc trong tương lai.

Cuộc khảo sát kết luận, nhiều phụ huynh tại Auatralia cảm thấy lo lắng về độ phù hợp của hệ thống giáo dục với nhu cầu của nơi làm việc trong tương lai.

Tuy nhiên, những người được khảo sát cũng cho thấy sự khó chịu với việc áp dụng các lớp học ảo hoặc giáo viên ảo. Garry Falloon, giáo sư về học tập kỹ thuật số tại ĐH Macquarie ở Sydney cho biết, mối lo ngại về việc công nghệ lấn át trong các lớp học và vai trò ngày càng cao của công nghệ tại nơi làm việc càng làm nổi bật tầm quan trọng của sự cân bằng. Ông nói: "Cần phải kết hợp công nghệ với thiết kế chương trình phù hợp".

Tiến sĩ Cowan cũng cho rằng, các lớp học ngày nay cơ bản trông không khác gì lớp học trước đây, dù đã trang bị thêm nhiều công nghệ.

Tuy vậy, giáo viên được kỳ vọng sẽ dạy các kỹ năng và cách giải quyết vấn đề, để giúp 65% lứa học sinh bắt đầu đi học vào năm nay có thể tìm kiếm việc làm trong tương lai. Khi thời gian thay đổi và nhu cầu thị trường phát triển, các chủ đề giáo dục cũng thay đổi. Kỹ năng và cách giải quyết vấn đề là thứ cần thiết cho thế hệ tương lai.

Jeremias Prassl, phó giáo sư tại Khoa Luật, ĐH Oxford nói. "Công nghệ không chỉ là sự loại bỏ và thay thế công việc mà còn tạo ra các loại công việc mới. Đó là câu hỏi đặt ra với ngành giáo dục. Tương lai của công việc không phải là điều gì đó xảy ra ngẫu nhiên; chúng ta có tiếng nói trong đó, cho dù là tiếng nói cá nhân hay thông qua đoàn thể".

Các nhà giáo dục phải linh hoạt và tập trung vào tương lai

Giáo sư Prassl, người viết sách về công việc trong nền kinh tế tự do, cảnh báo: khi những đổi mới trong nền kinh tế tự do phụ thuộc vào công nghệ hiện đại, nó lại sử dụng lại những mô hình kinh doanh truyền thống.

Ông giải thích: "Chúng ta cần cẩn thận để không làm lẫn lộn những mặt tích cực với tính vượt trội của công nghệ. Nhiều nhiệm vụ sẽ được tự động hóa; nhưng chúng ta cần hiểu các quy trình, cách chúng hoạt động".

f:id:congtyduhocuytin:20190425181515j:plain

Chiến lược giáo dục cho nguồn lao động tương lai.

Ở Singapore, Ng Chee Meng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ giáo dục, nhấn mạnh sự cần thiết cho năng lực thế kỷ 21 như tư duy phản biện và sáng tạo và các kỹ năng mềm như giao tiếp và nhận thức văn hóa.

Các nhà giáo dục ở New Zealand cũng đang đẩy mạnh những gì họ gọi là nguyên tắc tập trung vào tương lai và nhu cầu cho các nhà giáo dục. Tiến sĩ David Parsons, phó giáo sư tại ĐH Massey ở Palmerston North, giải thích: "Chương trình khuyến khích học sinh nhìn về tương lai bằng cách khám phá những vấn đề quan trọng nhưng chưa từng xuất hiện ở hiện tại".

Tuy nhiên, những kỹ năng thiết yếu trên vẫn cần được dạy bởi con người. Sarah Weir, giám đốc điều hành của UK’s Design Council, đặt câu hỏi, ai sẽ xây dựng các kết nối nhân văn - cốt lõi của những lĩnh vực kỹ năng đó? "Robot có thể dạy sự hợp tác, tư duy sáng tạo và tư duy phản biện không? Tôi không nghĩ vậy", cô khẳng định.

(Theo Raconteur)