CÔNG TY DU HỌC Á ÂU

Công ty du học uy tín hàng đầu Việt Nam

Sinh viên Dại học Stanford làm gì sau khi tốt nghiệp?

Mỗi khi ai đó làm được điều gì đó, dù là nhỏ thôi, tôi trò chuyện với họ để biết những khó khăn họ đã và đang trải qua, mục tiêu họ hướng đến, và động lực giúp họ bước tiếp. Trong tháng vừa qua, tôi có cơ hội trò chuyện với bốn sinh viên Đại  học Stanford đang làm những điều hết sức thú vị.

Simon Kalouche: ứng cử viên tiến sĩ bỏ học năm đầu để lập công ty về robot

Tôi có thể đoán được đứa bạn khởi nghiệp nào của mình vừa gọi vốn thành công bằng tốc độ biến mất của tụi nó khỏi cuộc sống của tôi.

Simon là sinh viên năm đầu tiên tôi dạy khoá “TensorFlow for Deep Learning Research". Khi đọc hồ sơ xin vào lớp của anh, tôi đã bị vô cùng ấn tượng bởi hàng loạt giải thưởng khoa học quốc gia mà anh đạt được. GOAT, chân robot mà anh thiết kế với khả năng chạy nhảy và cân bằng đột phá, được tờ The Verge đùa là viết tắt của cụm từ: “Greatest robot leg Of All Time” - “Chân robot vĩ đại nhất mọi thời đại”.

f:id:congtyduhocuytin:20190221175904j:plain

Simon Kalouche.

Không lâu sau đó, anh bỏ dở chương trình tiến sĩ để tập trung làm công ty khởi nghiệp của chính anh. Bình thường, tuần nào chúng tôi cũng nhắn tin qua lại xem cuộc sống của nhau thế nào. Nhưng tự nhiên tôi nhận ra mấy tháng nay không nghe tin tức gì từ anh. Nhắn tin hỏi thăm thì y như rằng anh vừa gọi vốn thành công series A. Anh không muốn tiết lộ khoản tiền trên báo, nhưng ở khu vực này, series A thường nằm trong khoảng 5 - 15 triệu USD.

Nimble.ai, công ty của anh, cho phép người điều khiển sử dụng virtual reality (thế giới ảo) để dạy robot những kỹ năng đòi hỏi sự khéo léo như nhặt, vận chuyển, và sắp xếp những vật dụng với kích cỡ và hình dáng khác nhau. Sản phẩm đầu tay của công ty anh là cánh tay robot có thể tìm kiếm và đóng gói hàng mua qua mạng.

“Mình từng nghĩ rằng để lập công ty riêng, mình chỉ cần công nghệ thật tốt. Nhưng bây giờ, mình dành phần lớn thời gian làm việc không liên quan đến công nghệ như gọi vốn, quản lý, thúc đẩy nhân viên, tìm kiếm khách hàng. Việc khó nhất là tuyển dụng. Trong vài tháng tới, mình muốn tuyển thêm 15 kỹ sư. Hồ sơ thì nhiều nhưng người thực sự làm được việc thì ít. Mình mới đi hội chợ việc làm ở MIT, Stanford, Berkeley. Nhưng ngay cả các sinh viên ở đây cũng rất làng nhàng. Có mấy người nổi trội thì y như rằng hàng trăm công ty sẽ vồ vập. Nhưng mình thấy mình vô cùng may mắn. Mình đang học hỏi được rất nhiều và gặp được rất nhiều người thú vị”.

John Luttig: nhà đầu tư làm việc cùng tỉ phú Peter Thiel ở quỹ Founders Fund

John và tôi biết nhau từ khi cùng làm trợ giảng. Tôi nhớ là có lần tôi nhìn thấy mặt anh to đùng trên poster dán trên cửa nhà ăn khi anh tranh cử vào nghị viện sinh viên trong trường và thấy thật khâm phục sự bạo dạn và năng động của anh. Một lần tình cờ đến gần nhà anh, tôi nhắn tin hẹn gặp. Anh nhận lời ngay lập tức, nhưng nhắn thêm: “À mà công ty mình không tuyển dụng đâu nhé”.

f:id:congtyduhocuytin:20190221180035j:plain

John Luttig.

Lúc đó là 5h chiều nhưng Luttig đã về nhà được cả tiếng. Không phải là anh kết thúc ngày làm việc sớm, mà bản chất công việc của anh không có sự phân biệt rõ ràng giữa công việc và đời sống riêng tư: anh dành thời gian kết thân với những người mà anh hy vọng sẽ mang đến các khoản đầu tư tốt, và anh thường xuyên đầu tư vào công ty của bạn bè mình.

Kể từ khi tốt nghiệp, John ít chơi với bạn bè ở Stanford, bởi theo như anh, khá nhiều người chọn cho mình công việc nhàm chán. Tôi hỏi anh định nghĩa của một công việc thú vị là gì, anh trả lời: “Là công việc mà bạn không thể nộp đơn xin làm”.

Công việc anh đang làm là một công việc mà không phải ai cũng có thể nộp đơn. Founders Fund là quỹ đầu tư quản lý hơn 3 tỉ USD nhưng được chạy bởi một đội ngũ chưa đến 20 người. Quỹ được thành lập bởi tỉ phú tài năng nhưng nhiều tai tiếng Peter Thiel. John được đích thân Peter Thiel tuyển về làm.

“Mình từng là tổng biên tập của Stanford Review (tờ tạp chí có góc nhìn thiên về đảng bảo thủ của Stanford). Tạp chí này được thành lập bởi Peter Thiel và ông vẫn còn duy trì mối quan hệ với tạp chí. Tôi gặp Peter qua đó. Sau đó, tôi vào thực tập ở Thiel Fellowship (tổ chức cung cấp 100.000 USD và hai năm hỗ trợ cho ứng cử viên dưới 23 tuổi để bỏ học ra ngoài mở công ty). Nhiều người không thích nhà đầu tư vì họ nghĩ nhà đầu tư lúc nào cũng chỉ tiền và tiền. Đúng là công việc của mình yêu cầu mình phải luôn luôn đánh giá tiềm năng của những người xung quanh, nhưng mình cố gắng không làm như thế khi gặp bạn bè”.

Akash Modi: vận động viên thể dục dụng cụ chuyên nghiệp

Khi Akash đến thăm tôi, tôi mời anh uống bia và nhận được câu trả lời: “Mình không uống đồ uống có cồn. Mình là vận động viên chuyên nghiệp mà, không nhớ à?”.

Akash vừa trở về sau cả tháng ở nước ngoài: hai tuần ở Doha cho giải vô địch thể dục dụng cụ và một tuần ở Stuttgart cho giải chuyên nghiệp của Đức. Akash không phải người Đức, nhưng anh được một đội của Đức thuê về để thi đấu với đội.

f:id:congtyduhocuytin:20190221180158j:plain

Akash Modi.

Vì thường xuyên phải tham gia các giải đấu, Akash phải nghỉ học cả quý này. Anh đang theo chương trình mà chúng tôi gọi là “slow-terming": hoàn thành cả đại học và thạc sĩ trong vòng 6 năm thay vì 5 năm. “Nếu không có thể dục dụng cụ, rất có thể mình đã cố gắng hoàn thành chương trình trong 4 năm. Nhưng mình phải luyện tập mỗi tuần 30 tiếng”.

Akash sẽ ra trường vào tháng 6 năm nay và anh cảm thấy lo ngại về tương lai sự nghiệp của mình. Trong ngành thể dục dụng cụ, nam vận động viên thường nghỉ hưu ở tuổi 26, tức là anh còn khoảng 2-3 năm nữa. Sau đó, anh hy vọng có thể làm việc trong ngành kỹ thuật cơ khí -- ngành mà anh học. Nhưng vì bận rộn với việc thi đấu, anh chưa từng đi thực tập ở đâu.

“Nếu mình là công ty và nhìn thấy ứng cử viên đã từng thi đấu ở Olympic, mình nhất định sẽ tìm cách tuyển dụng người đó”, tôi bảo anh.

“Mình chưa thi đấu ở Olympic nhé”, anh chữa lại.

Năm 2016, anh tham gia Olympic ở Brazil với tư cách là vận động viên thay thế: có mặt để chẳng may vận động viên chính thức bị chấn thương. Có người nói đó là một điều may mắn: anh được đưa đến Brazil và cho ăn ở miễn phí, nhưng không phải chịu áp lực thi đấu. Nhưng Akash bảo với tôi rằng đó là một cảm giác thật tệ. Anh đã tập luyện cả đời để có được giây phút toả sáng, và anh đã đến thật gần mục tiêu, nhưng vẫn chưa hẳn. Anh hy vọng có thể trở thành vận động viên chính thức ở Olympic 2020.

Parimarjan Negi: đại kiện tướng cờ vua trở thành ứng cử viên tiến sĩ ở MIT

Khi Negi vào học ở Stanford, tờ báo chính của trường tự hào đăng bài “Hỏi và đáp với đại kiện tướng cờ vua”. Theo như bài báo, anh trở thành đại kiện tướng cờ vua khi mới 13 tuổi 4 tháng, đánh bại kỷ lục cũ của Magnus Carlsen để trở thành đại kiện tướng cờ vua trẻ thứ hai trên thế giới.

Kỷ niệm đầu tiên của tôi về anh là khi chúng tôi cùng ngồi làm bài tập với một người bạn khác năm đầu đại học. Người bạn này, tìm lý do để không phải làm bài tập, bắt đầu kể lể về sự nghiệp cờ vua của Negi. Tôi không tin vào tai mình: “Thế tại sao mày làm bài này mãi chưa xong?”.

f:id:congtyduhocuytin:20190221180238j:plain

Parimarjan Negi.

Chúng tôi sống cùng nhà một mùa hè và trong quãng thời gian đó, tôi đi hết kinh ngạc này đến kinh ngạc về sự thiếu thốn kỹ năng của anh ở các bộ môn không liên quan đến cờ vua. Có lần, tôi bắt gặp anh bóc vỏ bơ bằng cắt quả bơ ra thành hàng trăm mảnh nhỏ xíu rồi từ từ bóc vỏ từng mảnh một. Anh kêu ca: “Tao cứ tưởng ăn bơ là dễ chứ”.

Một thời gian dài, không ai biết kế hoạch tương lai của anh là gì. Anh có cách nói chuyện chậm rãi như thể không có gì làm anh cảm thấy hứng thú. Cuối năm 2017, tôi tình cờ gặp anh ở một hội thảo trí tuệ nhân tạo nơi mà anh trình bày nghiên cứu của mình về hệ thống máy tính. Sau đó ít lâu, tôi biết tin anh được nhận vào chương trình tiến sĩ ngành khoa học máy tính ở cả Stanford và MIT - hai trong số các trường có chương trình tiến sĩ khó vào nhất trên thế giới. Anh chọn vì thời tiết âm u ở đó cho anh lý do để không phải ra ngoài.

Anh có vẻ phù hợp với cuộc sống ở MIT hơn là ở Stanford. Anh ăn uống tốt hơn, bất đầu tập thể dục, lên cơ bắp, và bắt đầu hẹn hò trở lại. Anh nghiên cứu để đưa trí tuệ nhân tạo vào hệ thống máy tính, thiết kế thuật toán có thể tự động phân bổ tài nguyên máy tính tuỳ thuộc vào yêu cầu sắp tới của từng chương trình. “Một ứng cử viên tiến sĩ năm tư cùng phòng nghiên cứu với tao xây dựng một mạng nơ-ron (neural network) có thể quyết định tốc độ truyền cho các gói video trong tương lai dựa vào thông tin thu thập bởi chương trình chạy video. Hệ thống này đang được sử dụng ở Facebook. Nghiên cứu của tao mang tính tổng quát hơn”.

(Nguyễn Thị Khánh Huyền - Vietnamnet)