CÔNG TY DU HỌC Á ÂU

Công ty du học uy tín hàng đầu Việt Nam

Trí truệ nhân tạo AI tăng hiệu quả giảng dạy tại Trung Quốc

Công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) giúp việc tiếp cận giáo dục chất lượng cao trở nên dễ dàng hơn với học sinh Trung Quốc.

f:id:congtyduhocuytin:20190425181028p:plain

Tháng 9 vừa qua, một sự kiện công nghệ phi lợi nhuận đã được tổ chức ở Thượng Hải nhằm trao đổi ý tưởng về cách công nghệ thay đổi thế giới. Tại sự kiện này, Công ty giáo dục Yixue Squirrel AI Learning đã giới thiệu việc áp dụng công nghệ AI vào nền tảng giáo dục trực tuyến, giúp giảm bớt áp lực của học sinh trong lớp, đồng thời giúp các em học hiệu quả hơn với một số giáo viên giỏi nhất trên toàn quốc.

Jason Zhou - đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Yixue Squirrel AI Learning cho biết, công ty hy vọng mọi trẻ em đều có một giáo viên xuất sắc bên mình. Theo Zhou, giáo viên "siêu AI" được thiết kế để biết rõ từng học sinh, thiết lập các kế hoạch học tập cá nhân cho từng em, dạy cho các em những điều tốt nhất và các kiến thức phù hợp nhất với từng người.

"Giống như có mười giáo viên chuyên nghiệp để dạy cho một học sinh. Điều này không thể có được trong mô hình giáo dục truyền thống vì các nguồn lực giáo dục hạn chế. Tuy nhiên, thông qua công nghệ AI, chúng ta có thể làm điều đó", Zhou nói.

Yixue Squirrel AI Learning tập trung vào việc giúp học sinh đạt điểm cao hơn trong các kỳ thi - yêu cầu quan trọng trong hệ thống giáo dục hiện tại của Trung Quốc. Với hơn 300 giáo viên cấp cao đã nghỉ hưu tham gia phát triển nội dung, nền tảng Squirrel AI có thể là một sự mở rộng hiệu quả cho việc giảng dạy tại trường học.

Hệ thống Squirrel AI mô phỏng một giáo viên cấp cao trong hệ thống giáo dục của Trung Quốc. Giáo viên AI này sẽ cung cấp các kế hoạch giảng dạy riêng cho từng học sinh. Điều đó giúp nâng hiệu quả của kế hoạch giảng dạy truyền thống lên gấp 5 tới 10 lần so với tiêu chuẩn hiện tại. Khi một đứa trẻ xuất sắc trong một số môn học nhưng lại cạnh tranh với bạn khác, nền tảng sẽ nhận thấy cần phải hướng dẫn thêm và đề xuất các kế hoạch tăng cường kỹ năng học tập, giúp học sinh toàn diện hơn trong mọi lĩnh vực.

Squirrel AI cung cấp dữ liệu và phản hồi liên tục, giúp giáo viên đưa ra quyết định giảng dạy phù hợp, đồng thời cho phép đánh giá quá trình học. Hệ thống này cũng thực hiện một mô hình giảng dạy khác biệt trong đó sinh viên trình độ khác nhau sẽ nhận sự hỗ trợ khác nhau. Học sinh nào nhanh chóng tiến bộ tại một nội dung học cơ bản sẽ được đưa ra các thách thức cao hơn, đẩy nhanh việc chuẩn bị cho các chủ đề nâng cao. Với học sinh gặp khó khăn với chủ đề ban đầu, các em sẽ nhận được hướng dẫn từ máy tính, đưa ra các gợi ý để xem xét lại các điều kiện và nhận sự hỗ trợ từ giáo viên.

"Từ hàng nghìn năm nay, giáo dục Trung Quốc ít nhiều giống nhau và tập trung vào giáo viên, khiến giáo viên trở thành một nguồn tài nguyên hiếm hoi", Zhou nói. Zhou lưu ý rằng Squirrel AI đang tạo ra nền tảng học tập hướng tới học sinh hơn. Thông qua công nghệ AI, Squirrel AI giúp trẻ em chỉ qua kết nối internet, có được giáo viên chuyên nghiệp hướng dẫn từng bước với các video được ghi âm trực tuyến.

Zhou cũng cho rằng giáo viên đang giữ quá nhiều trọng trách trong giáo dục trẻ em. Thầy cô không chỉ dạy các kỹ năng và kiến thức mà còn có trách nhiệm định hướng học sinh về mặt đạo đức. Giờ đây, với công nghệ AI và dữ liệu lớn, các máy móc còn nắm chắc về quá trình học tập và điều kiện của mỗi học sinh hơn cả giáo viên. Những gì giáo viên cần làm là rèn luyện đạo đức của học sinh.

Yixue Squirrel AI Learning đang phối hợp với Viện nghiên cứu Stanford và Học viện Khoa học Trung Quốc thành lập viện nghiên cứu trí tuệ nhân tạo cho học tập thích ứng. Với khoản đầu tư hơn 200 triệu nhân dân tệ (6,8 triệu USD) trong R&D, doanh thu hàng năm của họ dự kiến sẽ vượt trên một tỷ USD trong năm nay. "Chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ ở vị trí đứng đầu về công nghệ học tập thích ứng AI, không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên thế giới ", Zhou nói.

(Theo Global Times CN) 

Chuẩn bị cho thế hệ trẻ những công việc của tương lai

Để không bị máy móc lấn át trong tương lai, thế hệ trẻ cần trang bị kỹ năng tư duy phê phán, giải quyết vấn đề, sáng tạo, giao tiếp,...

f:id:congtyduhocuytin:20190425175608p:plain

Theo dự báo, vào năm 2030, khi các học sinh mẫu giáo hiện tại tốt nghiệp trung học, tự động hóa sẽ loại bỏ nhiều con đường sự nghiệp hiện có.

Karen Cator, cựu giám đốc Văn phòng Giáo dục của Bộ Giáo dục Mỹ, người luôn đi đầu trong học tập kỹ thuật số đã chia sẻ các quan điểm về giáo dục tương lai trên trang công nghệ giáo dục EdSurge. Cator hiện là giám đốc điều hành của Digital Promise.

Kỹ năng mới là yêu cầu bắt buộc

Theo Karen Cator, sự phát triển của tự động hóa và trí tuệ nhân tạo ảnh hưởng đến triển vọng nghề nghiệp của sinh viên trong tương lai. Sản xuất tiên tiến và chăm sóc sức khỏe là những lĩnh vực mà tự động hóa đang dần chiếm ưu thế. Bà cho biết, trí tuệ nhân tạo với khả năng chẩn đoán tốt hơn đang giúp các bác sĩ hiểu những gì đang xảy ra và xâu chuỗi chúng lại với nhau. Đó là việc mà con người có thể không tự mình làm được.

Tuy vậy, Cator nhận định, một cỗ máy không thể đưa ra những kết quả với sự đồng cảm. Đồng cảm là thứ duy nhất của con người và không lo ngại bị máy móc lấn át.

Theo dự báo, vào năm 2030, khi các học sinh mẫu giáo hiện tại tốt nghiệp trung học, tự động hóa sẽ loại bỏ nhiều con đường sự nghiệp hiện có. Các loại kỹ năng mà con người cần cũng đang thay đổi. Cator chia sẻ: "Vào những năm 90, chúng ta suy nghĩ về kỹ năng nên có ở thế kỷ 21 như tư duy phê phán, giải quyết vấn đề, giao tiếp, cộng tác, sáng tạo, đổi mới, thu nhận tài chính. Đến thời điểm này, đó thực sự là kỹ năng bắt buộc".

Sự thay đổi về phương pháp giáo dục

Cator cho rằng vấn đề cần quan tâm là các công việc tương lai cần được giáo dục với phương pháp khác. Đó là thách thức của các nhà giáo dục, khi chúng ta yêu cầu họ phải làm khác với trải nghiệm học tập của chính họ.

"Giáo viên trải qua bậc phổ thông, đại học và giờ đứng lớp với tư cách là một nhà giáo. Họ cảm nhận được làm giáo viên là như thế nào. Sự chuyển đổi theo những đòi hỏi của thời đại mới bắt buộc họ phải làm thứ bản thân không có kinh nghiệm", Karen Cator nhận định.

Theo bà, phát triển một đội ngũ huấn luyện - những người có thể làm việc với giáo viên trong lớp học, sẵn sàng kết hợp cùng giáo viên nếu họ muốn thử một công nghệ mới, có thể là một cơ hội lớn để giải quyết vấn đề trên.

Bên cạnh đó, công nghệ truyền thông cũng hỗ trợ việc giáo dục trong tương lai. Mạng internet giúp mọi người truy cập và sử dụng những nguồn giáo dục mở. Đồng thời, nó cũng giúp mọi người kết nối trực tuyến với cộng đồng, các chuyên gia, những người có thể huấn luyện giáo viên thông qua giai đoạn chuyển tiếp này.

Đổi mới toàn diện để mang lại cơ hội bình đẳng cho mọi học sinh

Một mối lo lắng khác là công nghệ hiện nay có thể sẽ tiếp tục gây bất lợi cho các sinh viên đang yếu thế. Cator nhận định, làm thế nào để đảm bảo tất cả người học, đặc biệt những học sinh yếu thế, có cơ hội học tập tốt nhất và ngang bằng những bạn có điều kiện tốt hơn là điều các nhà giáo dục phải quan tâm.

"Việc chúng ta phải làm là đưa ra phương pháp giúp những học sinh yếu thế có cơ hội học tập này. Đảm bảo rằng các trường học hoàn toàn được phủ sóng, học sinh có đầy đủ thiết bị mà họ có thể sử dụng bên trong và ngoài trường để làm bài tập ở nhà, nghiên cứu. Bài tập của họ đều lớn và hấp dẫn như những sinh viên khác. Việc tất cả học sinh đều có thể tiếp cận với các cơ hội học tập phong phú này là điều bắt buộc, bởi họ cũng mang triển vọng lớn cho một tương lai sáng lạn", Cator chia sẻ.

Theo bà, để hiện thực hóa được điều này, cần nghĩ đến "sự đổi mới toàn diện". Trong đó có sự thay đổi về nhận thức. Bà cho rằng, nhiều phát kiến công nghệ mới khi đưa ra chỉ mang lại lợi ích cho một số nhóm người nhất định. Đổi mới toàn diện phải giải quyết những vấn đề từ chính nhóm người này.

"Những đứa trẻ vô gia cư đến trường, những học sinh khác có thể không nghĩ đến sự thật là bạn học của chúng thực sự cần một nơi để giặt quần áo, hơn bất kỳ giải pháp giáo dục nào khác". Karen Cator cho biết. Giải quyết thực tế nhận thức đó cũng là một sự đổi mới toàn diện mà các nhà giáo dục cần làm.

(Theo EdSurge)

6 thay đổi trong giáo dục thời đại công nghệ 4.0

Học tập suốt đời, học tại bất cứ đâu, ai cũng có thể trở thành người dạy... là những khác biệt trong nền giáo dục.

f:id:congtyduhocuytin:20190425174628p:plain

Với internet, các lớp học trong thời 4.0 có thể diễn ra ở bất cứ đâu, thời điểm nào.

Giáo dục thay đổi trong nhiều thế kỷ, từ phạm vi kiến thức tới mô hình và không gian học tập. Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, nhiều quan niệm học tập truyền thống đã thay đổi so với quá khứ, mở ra một viễn cảnh giáo dục rộng mở và linh hoạt hơn.

Mục tiêu học tập mở rộng

Trong cách mạng công nghệ lần thứ nhất, mục tiêu học tập là để làm chủ những kiến thức và kỹ năng cơ bản. Ví dụ: tại trường, người học học kiến thức về các môn toán, ngôn ngữ, nghệ thuật...; trong đào tạo kỹ năng có thể đào tạo về kỹ năng cơ bản như đọc sách, tranh biện...

Với thời đại 4.0, giáo dục hướng tới phát triển cá nhân một cách tổng thể. Nếu trước kia chỉ có một trí thông minh duy nhất được công nhận là logic, thì xã hội hiện đại công nhận đa trí thông minh như cảm xúc, vận động, ngôn ngữ... Từ đó, mục tiêu giáo dục đang hướng tới giúp mỗi người phát triển tối đa các trí thông minh tiềm ẩn của mình.

Giáo viên là người kết nối

Học sinh trong thế giới 4.0 đã đủ năng lực và phương tiện để tiếp nhận thông tin. Trong bối cảnh đó, giáo viên không phải là người duy nhất có được kiến thức và thông tin giá trị. Thay vào đó, họ là người giúp học trò có khả năng hiểu ý nghĩa của thông tin, phân biệt sự khác biệt giữa những gì quan trọng và không quan trọng. Trên hết, đó là khả năng kết hợp thông tin thành một bức tranh rộng lớn về thế giới.

Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định kiến thức ngày nay có thể tự học, tự nghiên cứu và tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là từ Internet. Phương pháp đào tạo truyền thống lấy giáo viên làm trung tâm, tất cả kiến thức được truyền đạt thông qua thầy cô giáo và thông thường, họ là người quyết định kiến thức đó có đúng hay không. Ngày nay, giáo dục lấy người học làm trung tâm, người thầy dựa trên nhu cầu học hỏi của sinh viên để gợi mở và định hướng nhiều hơn là truyền đạt kiến thức.

Tự học là yêu cầu bắt buộc

Vai trò của giáo viên thay đổi, người học cũng thay đổi theo. Học tập trong quá khứ thường mang tính thụ động. Người học chủ yếu tham gia các chương trình giáo dục đã được xây dựng sẵn, có khuôn mẫu chung cho số đông và tiếp cận kiến thức một chiều. Ngày nay, theo đòi hỏi của giáo dục hiện đại, người học buộc phải tăng tính chủ động, khả năng tự định hướng các kiến thức mình cần và xây dựng lộ trình học tập riêng theo đòi hỏi của từng cá nhân.

Anant Agarwal - CEO của edX dự báo bằng cấp đại học trong tương lai sẽ được cá nhân hóa dựa trên nhu cầu của từng người. "Thay vì dành bốn năm theo đuổi bằng đại học giống nhau, sinh viên có thể tự tạo bằng cấp phù hợp với thế mạnh riêng", Agarwal nói.

Điều này tương tự với việc bạn đang tự tay xây dựng một lâu đài Lego theo từng khối, thay vì mua một mô hình có sẵn. Bạn chọn những viên gạch mình cần để xây dựng nền tảng vững chắc cho sự nghiệp. Trường học trên nền tảng số góp phần làm cho việc tự học trở nên dễ dàng hơn.

f:id:congtyduhocuytin:20190425174701p:plain

Học sinh trong thế giới 4.0 đã đủ năng lực và phương tiện để tiếp nhận thông tin.

Độ tuổi học tập kéo dài suốt đời

Giáo dục truyền thống trên thế giới tập trung vào nhóm K-12 - độ tuổi từ trẻ mầm non tới hết giai đoạn phổ thông. Sau giai đoạn K-12, người học trưởng thành lựa chọn con đường để phát triển nghề nghiệp đã được định hướng từ sớm.

Giáo dục thời đại 4.0 đã mở rộng độ tuổi học tập qua khái niệm "học tập suốt đời". Với sự phát triển của công nghệ và robot, nhiều chuyên gia giáo dục trên toàn cầu thừa nhận rằng chưa thể xác định các kỹ năng nghề nghiệp cho trẻ nhỏ trong giai đoạn hiện nay vì nhiều công việc trong tương lai gần thậm chí chưa xuất hiện.

Vì vậy, học tập không thể chỉ giới hạn trong độ tuổi đi học. Người học cần phải có năng lực học tập suốt đời, không ngừng cập nhật kiến thức và tri thức để theo kịp các đòi hỏi công việc liên tục thay đổi trong xã hội 4.0.

Ai cũng có thể dạy

Khái niệm "thầy" cũng có nhiều thay đổi trong thời hiện đại. Nếu như trước đây chỉ giáo viên mới có thể đứng lớp và giảng dạy, thì ngày nay, nhờ có sự hỗ trợ của công nghệ, bất kỳ ai cũng có thể tham gia vào chu trình giáo dục và trở thành thầy.

Lớp học ở mọi nơi, mọi lúc

Thay cho trường lớp mang tính vật lý với giảng đường, thư viện và thời khóa biểu cố định, các trường trực tuyến đang phát triển và trở thành làn sóng giáo dục mới. Trường trực tuyến như Coursera, Udemy, edX...  sử dụng công nghệ điện toán đám mây để phát triển các không gian học tập trên mạng. Tài liệu học tập, sách tham khảo đều lưu trữ trên mạng. Thông qua các thiết bị kết nối internet như smartphone, laptop... người học trên toàn thế giới có thể tham gia vào các lớp học ảo bất cứ lúc nào.

(Theo VnExpress)

4 lý do khiến du học Nhật Bản thu hút giới trẻ

Nền giáo dục thuộc top 20 thế giới, tỷ lệ đậu visa cao, cơ hội làm việc định cư lâu dài... là lý do khiến du học Nhật Bản ngày càng thu hút nhiều bạn trẻ quan tâm và lựa chọn.

f:id:congtyduhocuytin:20190425173258p:plain

hật Bản là một trong ba nước châu Á có nền giáo dục nằm trong top 20 của thế giới.

Tỷ lệ đậu visa cao

Theo thông tin từ đại diện Tổ chức tư vấn du học TinEdu, với học sinh vừa tốt nghiệp cấp 3 hoặc sinh viên tốt nghiệp không quá 5 năm, tỷ lệ đậu visa du học Nhật cao, đặc biệt với học sinh hộ khẩu phía Nam, tỷ lệ đậu lên tới 99%.

Nền giáo dục xứng tầm thế giới

Nhật Bản là một trong ba nước châu Á có nền giáo dục nằm trong top 20 của thế giới. Hạn hẹp về nguồn tài nguyên thiên nhiên, Chính phủ Nhật Bản luôn chú trọng vào yếu tố con người và ưu tiên đầu tư cho ngành giáo dục.

Chính sách vừa học vừa làm

Chỉ từ 140 triệu đồng (trọn gói học phí một năm, vé máy bay, phí ở ký túc xá...), học sinh, sinh viên đã có thể đi du học Nhật Bản. Thời gian này, các bạn có thể vừa học vừa làm 28 tiếng một tuần tương ứng với mức thu nhập trung bình từ 25 đến 30 triệu đồng một tháng.

f:id:congtyduhocuytin:20190425173322p:plain

Tại Nhật Bản, du học sinh có thể vừa học vừa làm.

Nhật Bản coi trọng yếu tố con người, ngân sách hàng năm Chính phủ Nhật dành cho ngành giáo dục rất lớn. Do vậy, không chỉ học sinh ở Nhật, du học sinh nước ngoài cũng được hưởng những chính sách hỗ trợ với nhiều suất học bổng giá trị, miễn giảm phí thuê nhà và tạo điều kiện làm thêm trong suốt thời gian lưu trú ở Nhật.

Cơ hội định cư lâu dài

Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật rất thấp, tình trạng thiếu nhân lực trong độ tuổi lao động ngày càng tăng là cơ hội để du học sinh tìm kiếm việc làm ổn định và định cư lâu dài sau tốt nghiệp. Đây cũng là điểm khác biệt so với những tu nghiệp sinh phải trở về nước sau khi hết thời gian hợp đồng lao động ký kết 1 - 3 năm.

(Theo VnExpress)

Đừng trở thành 'con nợ' khi du học Nhật Bản

Chưa thực hiện ước mơ hoài bão tại Nhật Bản, nhiều bạn trẻ VN đã trở thành 'con nợ' khi phải vay mượn số tiền lớn, bị ép buộc, bị lừa gạt khi vừa đặt chân đến nước này du học hoặc thực tập sinh kỹ năng.

f:id:congtyduhocuytin:20190410192752j:plain

Các bạn trẻ cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo đi học, đi làm tại Nhật Bản.

Ngày 22.1, lần đầu tiên Đại sứ quán Nhật Bản phối hợp Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH tổ chức hội thảo cung cấp thông tin chính xác về du học và thực tập sinh kỹ năng Nhật Bản cho bạn trẻ VN.

Giấc mơ, hoài bão của các bạn trẻ là nguồn kiếm lời

Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại VN Umeda Kunio, trong 3 - 4 năm trở lại đây, VN trở thành nước quan trọng nhất hỗ trợ Nhật Bản giải quyết các vấn đề về thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Hiện có hơn 300.000 người VN đang lưu trú tại Nhật Bản và hỗ trợ nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, theo ngài đại sứ, điều rất đáng tiếc, trong 3 - 4 năm trở lại đây, nếu phân theo các quốc gia và số thực tập sinh kỹ năng người nước ngoài bỏ trốn tại Nhật Bản thì VN đang đứng đầu trong số vụ tội phạm người nước ngoài (trong đó hơn 90% tội phạm trộm cắp).

Ông Umeda Kunio chia sẻ: “Các bạn trẻ VN đến Nhật với nhiều giấc mơ hoài bão, không ai đến Nhật với mục đích ban đầu là phạm tội. Tuy nhiên, có những người xem giấc mơ, hoài bão củ̉a các bạn trẻ là nguồn kiếm lời và đẩy các bạn vào con đường phạm tội. Đó là các công ty môi giới, phái cử “thiếu đạo đức”, họ luôn có ý định lừa gạt những người trẻ bằng các lời mời ngọt ngào. Họ luôn yêu cầu trả phí môi giới với nhiều lý do. Kết quả là, các bạn trẻ mang một “gánh nặng nợ” từ người thân, các công ty tài chính trước khi đến Nhật”.

Ông Phạm Chí Cường, Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Bộ GD-ĐT, cũng cho hay số lượng lưu học sinh VN tại Nhật Bản không ngừng gia tăng, hiện có 72.000 người. Cùng với sự gia tăng số lượng là tăng tỷ lệ phạm pháp. Theo ông Cường, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó một phần do các bạn trẻ và các bậc phụ huynh chưa tìm hiểu kỹ thông tin hoặc nhận được tư vấn thiếu chính xác. “Họ sẵn sàng trả phí cao hoặc qua môi giới. Vì vậy, không ít người phải gánh khoản nợ không nhỏ. Đó là lý do khi sang Nhật, các bạn đã phải kiếm tiền bằng mọi giá để trả nợ, kể cả bằng con đường phạm pháp”, ông Cường nói.

Không chỉ bị các công ty trong nước lừa gạt, ngay cả những công ty tiếp nhận tại Nhật Bản cũng vi phạm pháp luật. Ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Bộ LĐ-TB-XH, cho hay có tình trạng nghiệp đoàn Nhật Bản bắt tay với công ty phái cử cắt giảm các chế độ của thực tập sinh dẫn đến chi phí của họ cao hơn. Điều này cũng được Đại sứ Nhật Bản Umeda Kunio xác nhận.

Cân bằng việc học với việc làm

Từng có 7 năm du học tại Nhật, anh Nguyễn Quang Tùng, cựu du học sinh, chia sẻ kinh nghiệm: “Các bạn trẻ phải học tiếng Nhật thực sự, ít nhất là đạt được trình độ N4. Khi thông thạo tiếng Nhật, các bạn sẽ tránh được vất vả khi học tập và làm việc tại Nhật. Việc làm thêm sẽ giúp người trẻ rèn luyện ý chí, nghị lực cho bản thân. Vì vậy, chọn các công ty tư vấn, môi giới uy tín giúp bạn tìm kiếm công việc làm thêm. Tuy nhiên, các bạn nên cân bằng việc học với việc làm. Học tập mới là mục đích chính để có tương lai tốt đẹp”.
Theo ông Momoi, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật, có nhiều bạn trẻ đã phải bỏ hơn 200 triệu đồng để sang Nhật bằng visa du lịch (90 ngày) với lời hứa tìm được việc làm thêm. “Để làm việc tại Nhật phải có thị thực lao động dài hạn và không thể chuyển đổi từ thị thực du lịch sang. Các bạn trẻ cần biết để tránh bị lừa đảo. Du học là để học, không phải kiếm tiền. Muốn kiếm tiền, bạn trẻ nên lựa chọn chương trình thực tập sinh. Tránh đi du học bằng mọi giá, nếu không, tiền vay và tiền từ việc làm thêm sẽ không đủ trang trải học phí”, ông Momoi nói.

Các lĩnh vực được ưu tiên tiếp nhận

Theo Đại sứ quán Nhật Bản tại VN, từ ngày 1.4.2019, cơ chế kỹ năng đặc định đã được đưa vào như một tư cách lưu trú mới nhằm giải quyết vấn đề thiếu lao động. Theo đó, Nhật Bản sẽ tiếp nhận những người đã có kỹ năng với thời gian làm việc tối đa 5 năm trong 14 vực như: nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng, công nghiệp chế tạo, hộ lý, dịch vụ nhà hàng, dịch vụ lưu trú, vệ sinh tòa nhà, sửa chữa ô tô… Đối tượng tiếp nhận là những người đã hoàn thành 3 năm thực tập kỹ năng, hoặc những người thi đỗ kỳ thi năng lực tiếng Nhật và kỳ thi đánh giá kỹ năng tương đương 3 năm.

Không đi du học vì mục đích kiếm tiền

Đại sứ Nhật Bản Umeda Kunio cho biết, tại Nhật công tác quản lý các công ty thiếu đạo đức đang được tăng cường.Ông Umeda Kunio bày tỏ: “Mong muốn của chúng tôi là các bạn trẻ không bị các công ty và môi giới lừa đảo, phạm tội và bị bắt. Chính phủ Nhật Bản đang hợp tác với Chính phủ VN nghiêm túc thực hiện nhằm loại bỏ những công ty môi giới, công ty phái cử thiếu đạo đức”. Ngài đại sứ cũng đưa lời khuyên với bạn trẻ VN có ý định sang học tập và làm việc tại Nhật, đó là: không sử dụng môi giới thiếu đạo đức; không trả phí môi giới cao (nếu trả tiền hoặc phí phải nhận được hóa đơn); không đi du học vì mục đích kiếm tiền.

Bộ LĐ-TB-XH cho biết, phí phái cử với thực tập sinh trong trường hợp hợp đồng 3 năm từ 3.600 USD trở xuống. Đối với hợp đồng 1 năm là 1.200 USD trở xuống. Thông tư cũng quy định chi phí đào tạo trước khi xuất cảnh là 5,9 triệu đồng. Bên cạnh đó, luật pháp Nhật Bản nghiêm cấm quy định việc thu tiền ký quỹ và phạt vi phạm hợp đồng. Người lao động cần nhận phiếu thu đầy đủ các khoản phí.

Ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết Bộ LĐ-TB-XH đã ban hành một số quy định ràng buộc với các công ty phái cử, nếu vi phạm sẽ bị xử lý.

(Thanh niên)